Web Content Viewer (JSR 286)

Actions
Loading...

An Giang tham dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế

09/08/2023 | 02:10
Ngày 02/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” chủ trì họp Phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo, hội nghị được truyền hình trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nhập quốc tế phải hết sức nhanh nhạy, kịp thời với tư duy “dám nghĩ, dám làm”, quyết liệt hành động “dĩ bất biến ứng vạn biến” trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Việc thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị từ 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ và tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình; tham gia sâu rộng vào nhiều FTA và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước.

Tại phiên họp, đại biểu được nghe báo cáo chung đánh giá các kết quả, các tồn tại, hạn chế và các bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị 10 năm qua, các đại biểu thảo luận phân tích làm rõ các nội hàm còn nguyên giá trị của Nghị quyết, cần phải tiếp tục kế thừa phát huy; thẳng thắn nêu những nội dung cần được bổ sung, phát triển để đáp ứng tốt hơn yêu cầu mới của thực tiễn. Qua đó, Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự báo tình hình và đề xuất định chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.

Tham dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh An Giang do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Phước, cùng tham dự có lãnh đạo Sở Ngoại vụ cùng các sở ngành liên quan.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước dự Hội nghị

Tại An Giang, sau gần 10 năm thực hiện, công tác Hội nhập của tỉnh đã đạt được một số kết quả tiêu biểu như sau:

Đã thành lập Ban Chỉ đạo về Hội nhập quốc tế của tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; phân công 02 Phó Chủ tịch làm Phó ban phụ trách 02 khối: chính trị, an ninh, quốc phòng và kinh tế và văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Phân công cụ thể các cơ quan phụ trách chính 04 khối gồm: Sở Ngoại vụ phụ trách tổ hội nhập an ninh, chính trị, quốc phòng; Sở Công Thương phụ trách tổ hội nhập về lĩnh vực kinh tế; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách hội nhập về lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết 22 cũng như vai trò của hội nhập quốc tế đối với quốc gia và địa phương được tỉnh quan tâm và quán triệt thực hiện nhất là trong lĩnh vực hội nhập về kinh tế quốc tế, vì đây là lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng có tác động trực tiếp tới mặt hàng xuất khẩu, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý đối ngoại ngày càng đi vào nề nếp quán triệt theo các chỉ đạo của Trung ương như Quyết định 272-QĐ-TW về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại và chỉ thị 38-CT/TW về quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài được tăng cường và thực hiện nghiêm, không để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, số lượng các đoàn đi về có báo cáo, đề xuất công việc hợp tác quốc tế ngày càng tăng.

Công tác hội nhập quốc tế của địa phương được chú trọng và đạt được nhiều thành tựu nhất định, bên cạnh việc luôn duy trì mối quan hệ hợp tác với các cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước có mối quan hệ chặt chẽ với tỉnh An Giang. Đến nay tỉnh đã ký kết 11 thỏa thuận hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài, trong đó có 06 thỏa thuận hợp tác ký với cấp địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu nước ngoài. Tỉnh đã thiết lập quan hệ cấp địa phương (tỉnh với tỉnh) với 09 đối tác. Qua các mối quan hệ hợp tác này nhiều chương trình hợp tác thiết thực đã góp phần thay đổi đáng kể tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, trình độ và nhận thức của cán bộ, người dân và doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Công tác hội nhập ở từng lĩnh vực cũng có một số thành tựu nhất định.

Hội nhập về an ninh chính trị, quốc phòng bên cạnh thành tựu hoàn thành công tác phân giới mốc theo đúng tiến độ của Trung ương giao, thì hoạt động quản lý đường biên giới vì mục tiêu đảm bảo an ninh hòa bình, phát triển được duy trì và phát huy tốt, thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng của bạn để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề về an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới.

Hội nhập kinh tế quốc tế thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế vào tỉnh đồng thời tổ chức các đoàn đi xúc tiến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh như lúa, cá, rau màu, trái cây. Thông tin thường xuyên và kịp thời những tác động của các FTA, các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP,…. tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, duy trì với các cơ quan thương vụ của Bộ Ngoại giao, thương vụ các nước, các hiệp hội doanh nghiệp, thương mại của các nước nhằm tăng cường tìm kiếm thông tin, đầu ra cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.

Hội nhập về lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo: bên cạnh việc duy trì giao lưu văn hóa với hai địa phương giáp biên là Kandal, Takeo, Vương quốc Campuchia, tỉnh đã mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa với các đối tác đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ phục vụ trực tiếp cho công tác duy tu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Óc Eo, tích cực tham gia các hoạt động triển lãm cổ vật để quảng bá hình ảnh của địa phương, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về du lịch nhằm tìm kiếm các giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác đưa người đi lao động ngoài nước giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện trình độ, nhận thức của người dân.

Toàn cảnh Hội nghị

 

Một số phương hướng nhiệm vụ và giải pháp hội nhập quốc tế đến năm 2030

Tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Triển khai thực hiện tốt việc xây dựng pháp lý và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của nước ta và địa phương và xu thế hội nhập của thế giới.

Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ổn định chính trị và trật tự xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh đạt hiệu quả; đảm bảo công tác an ninh đối ngoại.

Xây dựng và triển khai Kế hoạch hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2030; Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn cho các chính sách, chương trình giảm nghèo.

Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang phù hợp với khả năng và tình hình thực tế của tỉnh, xây dựng biểu tượng văn hóa và một số sản phẩm văn hóa của tỉnh mang thương hiệu quốc tế có thể sánh ngang với một số tỉnh, thành phố lớn trong khu vực và cả nước.

Tăng cường hợp tác với các viện – trường quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế, các tổ chức tình nguyện viên quốc tế góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh và giúp chuyển giao khoa học công nghệ đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao./.

 

Nguyễn Vinh

Tin khác

Banner phải dưới

Actions
Loading...

AG_LuotTruyCap portlet

Actions
Loading...
Đang trực tuyến: 42
Lượt truy cập: