SƠ LƯỢC LỊCH SỬ VĂN PHÒNG CÁC CƠ QUAN 
HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
---------------------
 
    I- LICH SỬ NGÀY TRUYỀN THỐNG VĂN PHÒNG:

    Để xác lập ngày truyền thống Văn phòng, Văn phòng Chính phủ đã có nhiều nghiên cứu, tham khảo ý kiến của nhiều đồng chí cách mạng lão thành ở Trung ương, nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lịch sử để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày thành lập - ngày truyền thống Văn phòng. Báo cáo khoa học ngày 04/5/2001 của Văn phòng Chính phủ đã tập hợp nhiều chứng cứ lịch sử có căn cứ khoa học để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về Ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ.

    Bước đầu, Văn phòng Chính phủ xác định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ là ngày 28/8/1945. Quá trình hình thành và phát triển của Văn phòng Chính phủ ngày nay đã gắn liền với việc thành lập Nhà nước, Chính phủ Việt Nam qua các thời kỳ. Quá trình này đã được nghiên cứu và xác định như sau:

    - Ngày 09/02/2001, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có quyết định số 95/QĐ-VPCP thành lập Ban chỉ đạo tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ, đây là mốc đầu tiên để tiến hành nghiên cứu xác định ngày thành lập Văn phòng Chính phủ.

    - Việc xác định ngày thành lập Văn phòng Chính phủ gắn liền với việc thành lập Nhà nước, thành lập Chính phủ. Tức là căn cứ vào các sự kiện lịch sử về tổ chức và hoạt động của Chính phủ: Từ Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây đến Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

    Tương ứng với từng thời kỳ thành lập Chính phủ, tên gọi Văn phòng Chính phủ qua các thời kỳ từ tháng 8/1945 đến nay có các thay đổi như sau:
    . Từ tháng 8/1945 đến 1949: Văn phòng Chủ tịch Chính phủ.
    . Từ tháng 7/1949 đến 1960: Văn phòng Thủ tướng phủ.
    . Từ tháng 7/1960 đến 1981: Phủ Thủ tướng (trong đó có Văn phòng Phủ Thủ tướng và các Văn phòng nghiên cứu).
    . Từ tháng 7/1982 đến 1992: Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.
    . Từ tháng 9/1992 đến nay: Văn phòng Chính phủ.

    Căn cứ vào những tư liệu lịch sử, các nghiên cứu khoa học, các ý kiến của các đồng chí cách mạng lão thành đã đi đến thống nhất là: "Căn cứ vào ngày thành lập Chính phủ để xác định ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ, bởi lẽ Văn phòng luôn luôn là bộ máy giúp việc cho Chính phủ, gắn chặt với tổ chức hoạt động của Chính phủ qua các thời kỳ liên tục từ tháng 8 năm 1945 đến nay. Từ khi có Chính phủ, có người đứng đầu Chính phủ là Bác Hồ, có trụ sở làm việc phục vụ cho Chính phủ và người đứng dầu Chính phủ hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước".

    Theo các luận điểm trên, căn cứ vào một số tư liệu lịch sử, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh về Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 28/8/1945 Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo thành lập, gồm 13 Bộ, 15 Vị Bộ trưởng, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Ngoại giao, có trụ sở làm việc của Chính phủ tại Bắc Bộ phủ cũ (số 12 Ngô Quyền, Hà Nội). Bản tuyên cáo ngày 28/8/1945 có các thành viên Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nội các quốc gia thống nhất) đã được công bố rộng rãi cho toàn thể quốc dân đồng bào trong nước và thế giới biết.
    Từ những căn cứ quyết định trên, ngày 19/4/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 489/QĐ-TTg, "Hàng năm lấy ngày 28/8 là Ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ".

    Theo tinh thần quyết định nêu trên của Chính phủ, việc tổ chức Ngày truyền thống Văn phòng nhằm để giáo dục truyền thống của văn phòng, động viên phong trào thi đua lao động, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức văn phòng. Đồng thời biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng Văn phòng, gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối và pháp luật của Đảng và Nhà nước.

    Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của nhiều cán bộ, công chức làm công tác văn phòng ở các địa phương: Đối với mối quan hệ giữa Văn phòng Chính phủ với Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không có qui định pháp lý là một hệ thống dọc từ Trung ương đến cơ sở (như các Bộ của Chính phủ), nhưng từ trước đến nay trên thực tế đã hình thành mối quan hệ phối hợp trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ văn phòng để bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Thể theo nguyện vọng trên, ngày 22/7/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 28/8 hàng năm là Ngày truyền thống Văn phòng các cơ quan hành chính Nhà nước. Đây là ngày kỷ niệm truyền thống Văn phòng các cơ quan hành chính thống nhất trong cả nước.

    
 
    II- SƠ LƯỢC VỀ TRUYỀN THỐNG VĂN PHÒNG UBND TỈNH AN GIANG:
 
    Do chưa có điều kiện tập hợp, nghiên cứu các tư liệu đầy đủ về tổ chức và hoạt động của Văn phòng UBND tỉnh An Giang từ ngày thành lập tới nay; do đó, chỉ có thể nêu sơ lược về tổ chức và hoạt động của Văn phòng UBND tỉnh An Giang như sau:
    Sau ngày miền Nam và tỉnh An Giang được hoàn toàn giải phóng - tháng 5/1975, hệ thống chính quyền đã được thành lập từ cấp Trung ương đến tỉnh, huyện và xã. Cấp tỉnh lúc bấy giờ thành lập Ủy ban nhân dân cách mạnh tỉnh Long Châu Hà (địa giới tỉnh lúc bấy giờ bao gồm cả Hà Tiên và Phú Quốc), Văn phòng Ủy ban đóng trụ sở tại vị trí UBND tỉnh hiện nay (số 16 C đường Tôn Đức Thắng, thành phố Long Xuyên); tại thị xã Long Xuyên và thị xã Châu Đốc lúc bấy giờ thành lập Ủy ban quân quản. 

    Để giúp việc cho UBNDCM tỉnh có bộ máy Văn phòng gồm Chánh Văn phòng (Nguyễn Văn Hoài), 03 Phó Chánh Văn phòng và các cán bộ, nhân viên giúp việc. Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Long Châu Hà hoạt động trong thời gian ngắn, do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và do điều chỉnh địa giới hành chính giữa các tỉnh chung quanh nên được chuyển thành UBND tỉnh An Giang.

    Để giúp việc cho UBND tỉnh, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bộ máy Văn phòng Ủy ban tỉnh từng giai đoạn được tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức bộ máy Văn phòng UBND tỉnh giai đoạn đầu được tổ chức, bao gồm: Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng, Phòng nghiên cứu (có chuyên viên phụ trách khối), Phòng HC-VT-LT, Phòng Hậu cần. Ngoài ra do có một số tổ chức chưa đủ điều kiện tách thành cơ quan riêng, nên còn gắn với Văn phòng UBND tỉnh như Ban Thi đua Khen thưởng, Chi Cục Thống kê, Ban Khoa học Kỹ thuật, Ban Pháp chế.

    Trong những năm 1990, bộ máy Văn phòng UBND tỉnh dần dần được tổ chức lại gồm: Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng, Phòng Tổng hợp, Phòng Kinh tế, Phòng XDCB, Phòng Nội chính, Phòng VHXH, Phòng Văn thư, Phòng Ngoại vụ, Phòng QTTV, Phòng Tiếp Công dân, Trung tâm Lưu trữ, Trung tâm Tin học.

    Hiện nay, thực hiện tinh thần Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh được tổ chức bao gồm: Chánh Văn phòng, 04 Phó Chánh Văn phòng, Phòng Tổng hợp, Phòng Kinh tế, Phòng ĐTXD, Phòng Nội chính, Phòng VHXH, Phòng Hành chính Tổ chức, Phòng QTTV, Phòng Tiếp Công dân và Trung tâm Công báo - Tin học. Tổng số cán bộ công chức, viên chức, nhân viên của Văn phòng 71 người. Tổ chức bộ máy của Văn phòng đang trong quá trình sắp xếp, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao./.

Văn phòng UBND tỉnh An Giang

Banner phải dưới

Actions
Loading...

AG_LuotTruyCap portlet

Actions
Loading...
Đang trực tuyến: 61
Lượt truy cập: