Web Content Viewer (JSR 286)

Actions
Loading...

An Giang: Tham dự Hội nghị quán triệt Nghị định 09/2019/NĐ-CP, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 274/QĐ-TTg và hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ

11/02/2020 | 10:48
Sáng ngày 07/02/2020, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị định 09/2019/NĐ-CP, Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 274/QĐ-TTg và hướng dẫn triển khai Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ, hội nghị do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.

Tại điểm cầu An Giang, đồng chí Nguyễn Bảo Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì cùng với các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố tham dự hội nghị.

 

 

 

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ để xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể là ban hành Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, trong đó có nhiệm vụ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Quyết định số 274/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nhờ sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay 95/95 bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ khai trương, từ ngày 12/3/2019 đến ngày 04/02/2020 đã có gần 1,25 triệu văn bản (khoảng 298.000 văn bản gửi và 945.000 văn bản nhận) trên Trục liên thông, số lượng văn bản gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên vận hành tăng gấp 2 lần. Có 05 Bộ, cơ quan và 10 địa phương làm tốt công tác này và đã được Văn phòng Chính phủ đề xuất tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong đó có An Giang.

Tháng 12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương, tính đến ngày 05/2/2020, trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 41.594 tài khoản đăng ký; hơn 12,7 triệu lượt truy cập; hơn 664.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận, xử lý hơn 4.100 phản ánh, kiến nghị; hỗ trợ 3.641 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096). Đã  có 09/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tính đến ngày 05/02/2020, việc thực hiện Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, đã được 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 38/63 địa phương ban hành thông tư, quyết định quy định chế độ báo cáo theo phương án đơn giản hóa đã được phê duyệt, các Thông tư, Quyết định quy định chế độ báo cáo của Bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về thẩm quyền, hình thức văn bản theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP. Một số chế độ báo cáo không cần thiết đã được bãi bỏ, báo cáo có nội dung trùng lặp đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tần suất báo cáo đã được giảm; đề cương, biểu số liệu đã được mẫu hóa, làm cơ sở cho việc điện tử hóa, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện báo cáo trên Hệ thống điện tử.

Bên cạnh những kết quả như trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể là:

Các bộ, ngành, địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng hồ sơ lưu trữ văn bản điện tử; một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành hoặc sửa đổi Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử theo quy định tại Điều 19 Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg;

Một bộ phận cán bộ công chức, viên chức chưa nhận thức rõ về hiệu quả trong việc sử dụng văn bản điện tử có ký số; chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng, xử lý hồ sơ công việc bằng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm việc ứng dụng chữ ký số trên văn bản điện tử. Hầu hết các đơn vị đều chưa ứng dụng chữ ký số cá nhân trong xử lý, phát hành văn bản và giải quyết công việc trên môi trường điện tử.

Còn tồn tại tình trạng văn bản gửi điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia không bao gồm chữ ký số hoặc không đủ thông tin xác thực chữ ký số dẫn tới các đơn vị nhận không đủ cơ sở để xử lý văn bản điện tử.

Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai, kết nối tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia nhưng chưa thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ với Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc đã thực hiện đồng bộ nhưng số lượng hồ sơ được đồng bộ trạng thái còn rất thấp.

Một số bộ, địa phương đã ban hành Thông tư/Quyết định quy định chế độ báo cáo nhưng chưa bao quát hết các chế độ báo cáo thuộc phạm vi của bộ, địa phương; còn tình trạng văn bản quy định chế độ báo cáo của địa phương quy định những chế độ báo cáo theo thẩm quyền của Trung ương, chế độ báo cáo của Trung ương chưa quy định biểu mẫu, thời gian gửi báo cáo cho đầy đủ các cấp báo cáo.

Một số chế độ báo cáo hiện nay của bộ, địa phương vẫn quy định kỳ báo cáo là tháng, quý, 6 tháng, năm nhưng chưa hướng dẫn cụ thể để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện đối với trường hợp các báo cáo theo tháng trùng với báo cáo quý, 6 tháng và năm.

Thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi của một số báo cáo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP. Việc triển khai xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của nhiều bộ, địa phương còn lúng túng, bị động, chậm so với tiến độ.

Để tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý văn bản trên môi trường điện tử, triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia và chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định 09/2019/NĐ-CP, Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu trong năm 2020 các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện những công việc sau:

1. Về gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý văn bản trên môi trường mạng

Đến tháng 6 năm 2020, hoàn thành liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành các cấp, 100% văn bản điện tử gửi, nhận 4 cấp chính quyền. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng.

Trong năm 2020, 80% các vụ, cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng; tỷ lệ này là 60% đối với các sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 30% đối với các phòng, ban và tương đương thuộc UBND cấp huyện (Nghị quyết 01/NQ-CP).

100% văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia phải được tích hợp chữ ký số và được xác thực theo quy định; bảo đảm văn bản đầy đủ nội dung đính kèm, tuân thủ về thời gian gửi, nhận; bảo đảm đúng thẩm quyền, thể thức văn bản điện tử theo quy định.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy giữa các các cơ quan hành chính nhà nước theo danh mục tại Công văn số 775/VPCP-KSTT ngày 04/02/2020 của Văn phòng Chính phủ.

2. Về triển khai kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia

Tập trung hoàn thành việc kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương để làm cơ sở theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương (kể cả hồ sơ trực tiếp, trực tuyến và qua bưu chính); triển khai kết nối Nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ người dân, doanh nghiệp thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thuế, thu phạt vi phạm hành chính.

Các bộ, ngành, địa phương có dịch vụ công dự kiến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong Quý I/2020 chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống và tích hợp đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng,

3. Về chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia

Các bộ, địa phương chưa ban hành Thông tư, Quyết định quy định chế độ báo cáo cần khẩn trương rà soát các chế độ báo cáo hiện nay, nghiên cứu kỹ quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn số 3854/VPCP-KSTT ngày 09/5/2019 của Văn phòng Chính phủ để chuẩn hóa các chế độ báo cáo. Đối với các bộ, địa phương đã ban hành Thông tư, Quyết định để chuẩn hóa chế độ báo cáo, cần tiếp tục rà soát, kịp thời phát hiện những bất cập, thiếu sót để tiếp tục thực hiện việc chuẩn hóa chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP.

Căn cứ các chế độ báo cáo đã được chuẩn hóa, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện việc số hóa, điện tử hóa các báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương và thực hiện kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ.

Đối với các bộ, cơ quan, địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối thí điểm với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Thời hạn hoàn thành trước tháng 03/2020.

 

Văn Vinh

Banner phải dưới

Actions
Loading...

AG_LuotTruyCap portlet

Actions
Loading...
Đang trực tuyến: 235
Lượt truy cập: