Web Content Viewer (JSR 286)

Actions
Loading...

Hướng dẫn thủ tục thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công

11/01/2024 | 05:42
Nhằm đảm bảo đúng quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn thủ tục thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn thủ tục thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công như sau:

1. Về chủ trương bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công

Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được giao quản lý, sử dụng tài sản công khi có nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thì có văn bản gửi Sở Tài chính. Sở Tài chính phối hợp Sở chuyên ngành, tùy thuộc theo tính chất công trình như: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các công trình thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, xem xét, trình cấp thẩm quyền cho ý kiến về chủ trương thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công với các nội dung cụ thể như sau: tên tài sản công cần bảo dưỡng, sửa chữa; thời gian bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công gần nhất; lý do, mục tiêu, khối lượng công việc bảo dưỡng, sửa chữa; dự kiến chi phí, thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành.

Sau khi cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Các cơ quan, đơn vị thực hiện lập Dự toán chi phí (hoặc Kế hoạch) bảo dưỡng, sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng (đối với công trình dưới 500 triệu đồng); lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án (đối với công trình trên 500 triệu đồng) theo quy định về hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08 tháng 9 năm 2021, cụ thể:

- Trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên thì dự toán chi phí sửa chữa công trình xác định theo quy định tại Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng.

- Trường hợp sửa chữa công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng thì dự toán chi phí sửa chữa công trình xác định theo hướng dẫn Bảng 2.2 Phụ lục II “Dự toán chi phí sửa chữa công trình có chi phí dưới 500 triệu đồng” kèm theo Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 1252/UBNDKTTH ngày 01 tháng 11 năm 2021.

2. Về lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công

2.1. Về lập dự toán

Hằng năm, cùng với thời gian thảo luận dự toán, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh lập dự toán kinh phí thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công tổng hợp chung vào dự toán của đơn vị dự toán cấp I, gửi Sở Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về Ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 4 Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài chính.

2.2. Về quản lý, sử dụng

Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được giao dự toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thực hiện quản lý, sử dụng theo đúng quy định tại Điều 5 Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài chính.

2.3. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu một số nội dung cụ thể như sau:

a) Trường hợp cùng với thời gian thảo luận dự toán đã có chủ trương thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công của cấp thẩm quyền. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Sở Tài chính tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh giao dự toán cho đơn vị dự toán cấp I theo quy định của pháp luật về Ngân sách nhà nước.

Khi các đơn vị dự toán cấp I phân bổ dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, hồ sơ kèm theo yêu cầu phải có gồm:

- Quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Văn bản chấp thuận chủ trương thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công của cấp thẩm quyền.

- Quyết định phê duyệt Dự toán chi phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng (đối với công trình dưới 500 triệu đồng); Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án (đối với công trình trên 500 triệu đồng) của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định và các hồ sơ liên quan (nếu có).

b) Trường hợp cùng với thời gian thảo luận dự toán chưa có chủ trương thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công của cấp thẩm quyền. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Sở Tài chính xem xét, tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện trong năm dự toán.

Trong năm, khi Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung dự toán cho các đơn vị dự toán cấp I, hồ sơ kèm theo yêu cầu phải có gồm:

- Văn bản chấp thuận chủ trương thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công của cấp thẩm quyền.

- Quyết định phê duyệt Dự toán chi phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng (đối với công trình dưới 500 triệu đồng); Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án (đối với công trình trên 500 triệu đồng) của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định và các hồ sơ liên quan (nếu có).

3. Các nội dung khác không hướng dẫn và yêu cầu tại văn bản này, thực hiện theo quy định của Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài chính.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện theo tinh thần công văn này./.

 

Đăng Khoa

Banner phải dưới

Actions
Loading...

AG_LuotTruyCap portlet

Actions
Loading...
Đang trực tuyến: 65
Lượt truy cập: