Web Content Viewer (JSR 286)

Actions
Loading...

Phú Tân: Nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ hiệu quả

03/07/2018 | 11:32
Năm 2016, UBND huyện Phú Tân đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế...

Theo đó, Phú Tân đã tổ chức cho nông dân đi tìm hiểu học tập mô hình chăn nuôi cừu và trồng cây thanh long ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận nhằm định hướng cho bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tạo lợi nhuận cao, đồng thời tiếp thu những tiến bộ về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo ra khối lượng hàng hóa có giá trị cho xã hội.
 
 Nhờ đó, trong năm qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) trong sản xuất  của bà con nông dân trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC) cũng được huyện triển khai thí điểm và được đánh giá để nhân rộng. Trong đó, mô hình trồng rau trong nhà lưới vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Cụ thể:
 
Về lĩnh vực trồng trọt, hiện mô hình trồng rau trong nhà lưới có 03 nhà lưới với tổng diện tích 2.660 m2 đang hoạt động và rau phát triển tốt, giá bán cao hơn giá các sản phẩm rau trồng theo phương pháp truyền thống khoảng 2.000 - 4.000 đồng/kg nên sản xuất có hiệu quả. Hiện tại trên địa bàn huyện có 01 cửa hàng nông sản an toàn tiêu thụ rau màu an toàn sản xuất trên địa bàn huyện (Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Phan Nam).
 
          Mô hình trồng nấm trong nhà có 03 hộ dân tự đầu tư sản xuất 5 nhà trồng nấm trong nhà diện tích 390 m2 đều sản xuất có hiệu quả. Mô hình sản xuất rau màu an toàn ở xã Tân Trung đã thành lập 01 Tổ hợp tác sản xuất rau màu an toàn và đang vận động nông dân tham gia sản xuất theo quy trình an toàn và có liên kết Ngành chuyên môn cũng đã thường xuyên liên hệ hỗ trợ cho xã.
 
Thực hiện mô hình mẫu trồng khoai cao bằng giống cấy mô với quy mô 1000 cây con/500m2. Qua đánh giá kết quả mô hình tỷ lệ sống của cây con là 93%, trong 03 tháng đầu phát triển tốt ít nhiễm sâu bệnh hơn so với giống khoai địa phương.
 
Thí điểm liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn có 6 Công ty, Doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa nếp tại các HTX. Các Doanh nghiệp đã  tham gia ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân  tổng diện tích  trên 3.000 ha và đã thu mua gần hết số diện tích theo hợp đồng.
 
Lĩnh vực chăn nuôi, chương trình phát triển đàn bò lai, huyện đã mua 159 con trong đó: 92 con bò cái, 56 con bò thịt, 11 con bò đực giống, do bò thịt tới lứa nên đã bán 52 con bò thịt và một số hộ không có khả năng nuôi kéo dài đã bán 8 con bò đực giống, 27 con bò cái; hiện nay còn 72 con. Trong đó, có 03 con bò thịt, 03 con bò đực giống, 66 con bò cái; gieo tinh và theo dõi 82 lượt con bò cái. Hiện có 57 con đã sinh  gồm: 30 con bê đực, 27 con bê cái.
 
Lĩnh vực thủy sản, Phú Tân quy hoạch và tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi cá tra theo hình thức đầu tư trực tiếp. Đến nay, có 5 doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi ở Phú Bình, Tân Trung, Chợ Vàm với diện tích 58 ha, trong đó nuôi theo quy trình công nghệ cao được 22,3 ha (tiêu chuẩn VietGap 2,7 ha, tiêu chuẩn ASC 19,6 ha).
 
Đồng thời, tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh bằng con giống toàn đực bán thâm canh trong ao đất tại xã Bình Thạnh Đông với diện tích 1.500 m2 và 15.000 con giống, lợi nhuận ước tính 16.050.000 đồng/vụ. Tôm toàn đực là đối tượng nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh, ít dịch bệnh, có giá trị kinh tế, đầu ra sản phẩm tương đối ổn định. Nông dân tận dụng các ao hầm bỏ trống để nuôi góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông hộ.
 
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, sản xuất nông nghiệp  ứng dụng CNC trên địa bàn huyện trong thời gian qua còn nhỏ về quy mô. Việc tổ chức cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm còn ít; lựa chọn công nghệ, đối tượng đầu tư còn gặp khó khăn; việc kêu gọi doanh nghiệp, nông dân có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chưa đạt yêu cầu...
 
Theo đó, để  thực hiện  tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Năm 2017, Phú Tân khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng các mô hình, thiết bị công nghệ tiên tiến để phục vụ sản xuất nhằm tăng cường hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản phẩm đặt biệt là sản phẩm nông nghiệp.
 
Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới và phát triển công nghệ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thân thiện với môi trường. 
 
Cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng quy trình canh tác nếp hiệu quả cao để liên kết sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”. Tập trung tuyên truyền, vận động các cơ sở, doanh nghiệp xay xát, sản xuất, kinh doanh nếp sử dụng nhãn hiệu tập thể “Nếp Phú Tân”, phát huy hiệu quả sử dụng nhãn hiệu Nếp.
 
Tạo điều kiện hỗ trợ, tổ chức cho nông dân, cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu học tập các mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả ở các tỉnh bạn để triển khai áp dụng tại địa phương...
Hải Nhu

Banner phải dưới

Actions
Loading...

AG_LuotTruyCap portlet

Actions
Loading...
Đang trực tuyến: 36
Lượt truy cập: