Web Content Viewer (JSR 286)

Actions
Loading...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật

12/12/2016 | 02:32
Tư tưởng nhân văn và tính nhân dân trong văn học, nghệ thuật là di sản tinh thần cao quí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đó thể hiện trong sáng tạo nghệ thuật và trong quan điểm xây dựng nền văn học nghệ thuật của Người.
     1. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nghệ thuật là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc, phản ánh những điều kiện kinh tế xã hội, trong mỗi xã hội, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không đứng ngoài mà nằm trong kinh tế và chính trị, “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Đối với Hồ Chí Minh, mặt trận văn hóa nghệ thuật cũng quan trọng như các mặt trận kinh tế, chính trị, khoa học và giữa chúng có mối quan hệ với nhau trong một cơ cấu xã hội. Nhưng khác với những mặt trận khác, mặt trận nghệ thuật có chức năng và nhiệm vụ riêng của nó, là phải đáp ứng tốt các nhu cầu nhân đạo hóa bản chất con người, nó phải gắn với cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Theo Người, văn nghệ “phải thấu hiểu, và đi sâu vào đời sống”, “bày tỏ được tinh thần anh dũng và kiên quyết của nhân dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”.
 
     2. Trong tư tưởng nghệ thuật, Hồ Chí Minh chú ý đến chủ thể sáng tạo. Bằng cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã đúc kết và khẳng định một quan điểm mới về người nghệ sĩ: “Văn nghệ là một mặt trận, người nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật nước ta, Hồ Chí Minh gọi nghệ sĩ là chiến sĩ.
 
     Trong các xã hội trước đó, coi nghệ thuật như một loại hình giải trí, mua vui, người nghệ sĩ chuyên nghiệp bị xã hội coi là lũ “xướng ca vô loài”. Năm 1943, trong bài Khán thiên gia thi hữu cảm, Hồ Chí Minh đã coi trọng người nghệ sĩ như một chiến sĩ “Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Nghệ sĩ - chiến sĩ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là người biết “sử dụng ngòi bút của mình như vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”, là người có lập trường vững, tư tưởng đúng - đặt lợi ích của tổ quốc lên trên hết, trước hết”.
 
     Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn, phải thật hòa mình với quần chúng, cố gắng học tâp chính trị, trau dồi nghiệp vụ. Đó chính là phẩm chất và điều kiện để các tác phẩm của nghệ sĩ luôn gắn với hiện thực cuộc sống sôi động. Tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh là người nghệ sĩ phát triển toàn diện cả hai mặt đức lẫn tài, cả hồng và chuyên. 
 
     Quan điểm nghệ sĩ - chiến sĩ là một đóng góp xuất sắc về mặt lý luận cũng như thực tiễn xây dựng nền văn nghệ mới ở nước ta. Nó mang lại cho mặt trận nghệ thuật các chủ thể sáng tạo mới. Đó là một kiểu người trong sáng về đạo đức, cao đẹp về tâm hồn và xuất sắc về tài năng. 
 
     3. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến đặc tính dân tộc của văn hóa, nhất là đối với nghệ thuật. Năm 1924, khi đến thăm triển lãm nghệ thuật của Đức tổ chức ở Mátxcơva, gặp gỡ với họa sĩ người Thụy Điển Eric Johanson, Người nói: “Mỗi dân tộc, phải chăm lo đặc tính dân tộc của mình trong  nghệ thuật”.
 
     Mọi nền nghệ thuật đều có cốt cách dân tộc, tiếng nói dân tộc, phong tục tập quán dân tộc. Tính dân tộc của mỗi nền nghệ thuật được biểu hiện tập trung ở hệ thống tình cảm mà nó biểu hiện. Đó là cách nghĩ, cách khát vọng về cuộc sống và tình yêu, lòng căm giận, quan điểm về thiện ác, chính tà, đẹp xấu của mỗi dân tộc được biểu cảm trong nghệ thuật như các tín hiệu được cả cộng đồng dân tộc hưởng ứng sâu sắc.
 
     Khi đất nước bước thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế, nền nghệ thuật của nước ta cũng như các nước đang phát triển có hai nguy cơ lớn là: Bảo thủ và không giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Hồ Chí Minh luôn luôn chống cả hai khuynh hướng này. Bỡi lẽ, tính dân tộc của nghệ thuật không phải khép kín thuần túy. Trong tư tưởng về nghệ thuật của Hồ Chí Minh, tính dân tộc bao chứa tính tiếp biến. Nó bao gồm các giá trị nghệ thuật của các dân tộc anh em trong quốc gia đa dân tộc và sự giao lưu, tiếp biến các giá trị văn hóa nghệ thuật giữa các dân tộc trong nước và các quốc gia dân tộc trên thế giới. Và trong hoạt động thực tiễn phát triển nền nghệ thuật đa dân tộc của nưóc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc tới việc bồi dưỡng trình độ nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Nhiều nghệ sĩ tài năng và ưu tú của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng người Việt Nam trưởng thành từ nền nghệ thuật mới nước ta, đã góp phần xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.
 
     Trong thời đại hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc gắn liền với sự phát triển chung của thế giới. Trong lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy, vì ngôn ngữ nghệ thuật có sứ mệnh làm cho các dân tộc hiểu biết lẫn nhau. Sự gặp gỡ lẫn nhau giữa cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại là sự gặp gỡ của các giá trị. Những chủ đề lớn, những day dứt khôn nguôi trong mỗi nền văn nghệ dân tộc đều thức tỉnh lương tâm nhân loại.
 
     4. Trong tư tưởng nghệ thuật của Hồ Chí Minh, điều bao trùm nhất, cái hay nhất và lâu bền nhất là tư tưởng về tính nhân dân của nghệ thuật. 
 
     Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi các nhà nghệ thuật chăm lo gìn giữ cốt cách dân tộc, Người đã nhấn mạnh “Nghệ thuật chân chính cốt để phục vụ nhân dân” và Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định nguồn sống vĩnh viễn của mọi giá trị nghệ thuật là ở tính nhân dân của nó.
 
     Một nền nghệ thuật mang tính nhân dân sâu sắc bao giờ cũng phản ánh khát vọng của nhân dân, kết tinh các tình cảm, tư tưởng lành mạnh của nhân dân và nâng cao tâm hồn, cuộc sống, khát vọng, tình yêu, niềm vui và hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh đòi hỏi nền văn nghệ mới phải mang tính nhân dân, bởi vì “phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, văn nghệ sĩ nhất định tiến bộ, đồng thời có lực lượng mà giúp đỡ nhân dân tiến bộ hơn nữa”. Hồ Chí Minh cho rằng, nghệ sĩ về với nhân dân, nhân dân sẽ nuôi dưỡng họ và “bằng chính cái đó” “họ được làm giàu lên”. 
 
     Tiêu chuẩn tính nhân dân của nghệ thuật trong tư tưởng Hồ Chí Minh được đo bằng hiệu quả nghệ thuật. Đó là nghệ thuật phải đáp ứng yêu cầu của công chúng, giúp phát triển và nâng cao tinh thần của tuyệt đại bộ phận của những người lao động trong nhân dân. Hồ Chí Minh nói: “Luôn luôn tìm tòi những con đường để làm sao có thể kể một cách chân thực hơn và chân thành hơn cho nhân dân nghe về những mối lo âu và những suy nghĩ của nhân dân”. Không thể tìm giá trị nghệ thuật, tính bất tử, giá trị nhân loại bên ngoài nhân dân. Khi nghệ thuật phản ánh được các khát vọng của  nhân dân về cái thiện, cái mĩ, về hòa bình, về tình yêu, hạnh phúc và số phận con người thì nó mang tính nhân dân rồi.
 
     Trong xu thế hội nhập và đối thoại giữa các nền văn hóa trên thế giới hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật mãi mãi là ánh sáng soi đường cho dân tộc ta trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

 

Nguyễn Văn Lữ

Banner phải dưới

Actions
Loading...

AG_LuotTruyCap portlet

Actions
Loading...
Đang trực tuyến: 41
Lượt truy cập: