Web Content Viewer (JSR 286)

Actions
Loading...

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT THỐNG NHẤT TRONG ĐẢNG

12/12/2016 | 02:28
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế, là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giải phóng các dân tộc thuộc địa. Người là một vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước (1911) đến khi qua đời (1969), Người đã để lại một di sản quí báu về tư tưởng, đạo đức và trí tuệ tuyệt vời.
  Trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh, phần nói về Đảng và xây dựng Đảng là cả một hệ thống quan điểm rất toàn diện, phong phú, góp phần quan trong vào sự phát triển học thuyết về xây dựng đảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay. 
     Kế thừa những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền thống dân tộc và từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, tư tưởng đoàn kết thống nhất trong Đảng của Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển thành một hệ thống lý luận phong phú, là chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong số các bài viết của Bác, có 839 bài đề cập về đoàn kết thống nhất. Riêng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thì cụm từ đoàn kết được nhắc lại 16 lần. Tư tưởng đoàn kết thống nhất từ chỗ là sản phẩm trí tuệ của Bác Hồ, đã được đưa vào cương lĩnh của Đảng, thâm nhập vào tư tưởng hàng triệu người, thành sức mạnh vật chất, thành động lực tiến hóa của cách mạng Việt Nam.
 
Từ những hoạt động đầu tiên chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam đến khi về cõi vĩnh hằng, Hồ Chí Minh xem việc giữ gìn, củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng là nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tư tưởng đoàn kết thống nhất trong Đảng của Hồ Chí Minh là nhất quán. Cơ sở để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là đường lối, quan điểm và Điều lệ của Đảng. 
 
    Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản năm 1927), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mệnh là đoàn kết lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mệnh. Đó là một nhiệm vụ nặng nề và rất khó khăn. Nhưng theo Người, nếu những người cộng sản biết đoàn kết thống nhất, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc chắn làm được. Hồ Chí Minh từng nói những người cộng sản Việt Nam phải có ba chữ “đồng” là: “đồng chí” tức là cùng chí hướng, “đồng tâm” tức là một lòng, hiệp lực, chung lòng cứu nước và “đồng tình” tức là cùng giống nhau ở tình cảm yêu nước, yêu đồng bào và ghét bất công tàn bạo. Theo Hồ Chí Minh, “đồng chí ta” tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, mà phải chân thành, thống nhất trong tư tưởng nữa. Sự chân thành, thống nhất ấy có được trên cơ sở của tình đồng chí yêu thương lẫn nhau. Vì thế, Người yêu cầu đoàn kết là phải thật thà, chân thành chứ không phải theo kiểu hình thức, bằng mặt mà không bằng lòng. 
 
     Suốt cuộc đời hoạt động, thành công vĩ đại của Bác trong quá trình sáng lập và dẫn dắt Đảng ta đi từ thắng lợi nay đến thắng lợi khác là ở chỗ, Bác đã vận dụng sáng tạo tư tưởng đoàn kết thống nhất của Mác-Lênin. Theo Hồ Chí Minh, nội dung, phương pháp đoàn kết thống nhất trong Đảng được thể hiện trên những mặt sau:
    Trước tiên, đó là đoàn kết thống nhất về tư tưởng thì Đảng cộng sản mới có thể thống nhất về hành động, bởi vì cùng tin theo một chủ nghĩa khoa học là điều căn cốt nhất của Đảng chân chính cách mạng. Tại lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên của Đảng, theo Người, trước hết Đảng phải có lý luận tiền phong để làm tròn nhiệm vụ của Đảng tiền phong. Bác Hồ đã chỉ rõ: Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, phải theo chủ nghĩa ấy. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất trong mọi thời đại là chủ nghĩa Mác-Lênin. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đã xác định lý tưởng của Đảng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Nó là căn cốt, là hạt nhân, là lực hấp dẫn để đoàn kết tất cả mọi đảng viên trong quỹ đạo của Đảng. Quỹ đạo đó là nghị quyết và Điều lệ Đảng. Cũng vì thế, làm cho họ - những đảng viên trong những tình huống khác nhau, dù còn có những đề xuất về chủ trương, quyết sách khác nhau nhưng cuối cùng phải đi đến thống nhất để cùng hành động.
 
    Hai là, đoàn kết thống nhất về tổ chức. Ðoàn kết thống nhất về tư tưởng phải được bổ sung, củng cố bằng sự thống nhất về tổ chức. Lịch sử hình thành và phát triển của Đang ta là lịch sử đấu tranh để đoàn kết thống nhất về tổ chức. Hồ Chí Minh là hiện thân cho mối đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hơn ai hết, ngay từ buổi đầu chuẩn bị thành lâp Đảng, Người đã nhìn thấy tai hại của sự chia rẽ giữa những người cộng sản. Cuối năm 1929, đầu năm 1930, sự xuất hiện của ba tổ chức Cộng sản chứng tỏ hệ tư tưởng Mác-Lênin đã chiếm ưu thế trong phong trào cách mạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của mình, các tổ chức ấy không thể không tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân, và không tránh khỏi công kích lẫn nhau. Đó là nguy cơ của sự phân liệt về tư tưởng, tổ chức và hành động giữa những người cộng sản. Hồ Chí Minh đã nhận định tình hình đó sớm muộn sẽ gây ra sự chia rẽ trong phong trào công nhân, dẫn đến sự tổn thất cho phong trào cách mạng. Người hiểu rõ vấn đề sống còn đối với đất nước, dân tộc lúc này. Cho nên: “Phải hành động, hành động mau lẹ và kiên quyết, không được phép chậm trễ hơn nữa. Thiếu một đảng thống nhất lãnh đạo phong trào công nhân, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta sẽ như con tàu không có người cầm lái”. Nhận thức sáng suốt, thái độ kiên quyết, hành động kịp thời của Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định đưa tới sự đoàn kết, thống nhất giữa các tổ chức cộng sản trong nước. Vì thế, tại Hội nghị ngày 3 tháng 02 năm 1930, Hồ Chí Minh kêu gọi những người cộng sản của ba tổ chức cộng sản trong nước “bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương” thành  Đảng Cộng sản Việt Nam. 
 
    Kể từ đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam là tổ chức đoàn kết thống nhất duy nhất, là đội tiền phong của liên minh công nông, trí thức, của dân tộc ta lãnh đạo toàn dân ta thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội
 
    Ba là, đoàn kết thống nhất về hành động. Ðây là kết quả của sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức. Sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức sẽ tạo nên sự thống nhất về hành động trong trong toàn Đảng, nhằm đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, biến thành hành động cách mạng không chỉ của đảng viên mà cả quần chúng nhân dân.
 
    Về phương pháp đoàn kết thống nhất trong Đảng, là phải nâng cao sự hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin cho cán bộ đảng viên. Định ra đường lối, chính sách đúng sẽ tạo lập niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Mỗi thành viên sẽ tự gắn mình vào tổ chức, thống nhất về suy nghĩ và hành động. Sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình. Đây là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Bác Hồ đã dạy: Ta có hai cách để thống nhất tư tưởng và đoàn kết nội bộ là phê bình và tự phê bình từ trên xuống, ai nấy đều phải dùng nó để ngày càng đoàn kết nội bộ.
 
    Bài học về sự đoàn kết thống nhất, độc lập, tự chủ về đường lối, về chủ trương chiến lược là bài học có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta. Vì thế, trước lúc đi xa, trong Di chúc, lời Người căn dặn đầu tiên là về Đảng, về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Bác viết: “Trước hết nói về Đảng (…) Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Với mỗi đảng viên, đôi mắt, con ngươi chính là cái giúp họ có thể “nhìn cho rộng”, rồi “suy cho kỹ”. “Nhìn cho rộng” tức là hướng về lợi ích toàn cục, lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp, về chiến lược, sách lược, về mục tiêu lý tưởng của Đảng. 
 
    Và điều mong muốn cuối cùng, tột bậc của Người là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần  xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
 
Lời căn dặn đó đã biến thành lời thề của toàn Đảng, toàn dân ta khi cả dân tộc tiễn biệt Người đi “gặp cụ Các Mác, cụ Lênnin”. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, trong niềm tiếc thương vô hạn, đồng chí Lê Duẩn thay mặt những người cộng sản và cả dân tộc ta tuyên thệ:
 
“Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho đoàn kết toàn dân, đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”.
 
     Lời thề ấy đã khắc vào tâm khảm của mỗi đảng viên như một lẽ sống, một trách nhiệm.
 
     Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất, chúng ta càng thấm thía hơn với tấm lòng bao dung, vị tha, bác ái trong tư tưởng của Người. Đảng cộng sản Việt Nam kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa càng thấm nhuần  lời Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết. Thành công, thành công đại thành công” là chân lý vĩnh hằng, là bí quyết tồn tại, là vinh quang của dân tộc ta./. 

 

Nguyễn Lữ

Banner phải dưới

Actions
Loading...

AG_LuotTruyCap portlet

Actions
Loading...
Đang trực tuyến: 84
Lượt truy cập: