Web Content Viewer (JSR 286)

Actions
Loading...

Phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

12/12/2016 | 02:26
Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, thể hiện xuyên suốt mọi hành động trong cả cuộc đời cách mạng, phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của Người; bao gồm: Phong cách tư duy, phong cách làm việc (phong cách quần chúng, phong cách dân chủ, phong cách nêu gương), phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt, phong cách sinh hoạt…
     Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, thể hiện xuyên suốt mọi hành động trong cả cuộc đời cách mạng, phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của Người; bao gồm: Phong cách tư duy, phong cách làm việc (phong cách quần chúng, phong cách dân chủ, phong cách nêu gương), phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt, phong cách sinh hoạt…

     Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của người Việt Nam.

     - Đó là phong cách của một con người với nhân cách siêu việt, cái Tâm trong sáng, cái Đức cao đẹp, cái Trí minh mẫn, cái Hành mực thước, phong cách của một lãnh tụ, một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản chân chính. 

     - Đó còn là phong cách của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. 

Phong cách Hồ Chí Minh không phải để cho người đời ca ngợi, sùng bái mà là tấm gương để mọi người noi theo, học tập. Không phải chỉ người Việt Nam, từ lao động chân tay đến lao động trí óc, từ già đến trẻ, từ miền xuôi đến miền ngược, từ người tu hành đến các chính khách, thương gia đều tìm thấy ở Hồ Chí Minh phong cách của chính mình, mà cả người nước ngoài ở phương Đông hay ở phương Tây cũng cảm thấy gần gũi, không xa lạ với phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, phong cách của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. 
     Bài viết này chỉ xin đề cập đến phong cách quần chúng, dân chủ và nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là ba mặt gắn kết chặt chẽ, mật thiết với nhau, thể hiện hài hòa ở phong cách làm việc, sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương là toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, vì nước, vì dân mà hy sinh quên mình. 

     1. Phong cách quần chúng

Phong cách quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghía Mác - Lênin: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có lòng tin vô tận đối với quần chúng. Người luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên: 

     Trước hết, phải gần dân, thấu hiếu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bản thân Người luôn là tấm gương sáng về phong cách gần dân.       
     Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tác phong sâu sát. Theo một thống kê chưa thật đầy đủ, chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội,... từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm có hơn 70 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần Người gặp gỡ quần chúng. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ ở tuổi 70.

     Hai là, phải đi đúng đường lối quần chúng, đồng thời bản thân Người nêu cao tấm gương về lòng yêu mến và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của nhân dân. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. 

     Ba là, phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân. Người nói: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng... Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại...”.
     Bốn là, phải “từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “làm quan cách mạng”, “quan nhân dân”, không thấy mình là đày tớ, người học trò của nhân dân. Người đã nêu ra một quan điểm rất rõ: Không phải cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình.
     Những lời dạy của Người có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Làm cho dân kính, dân yêu, dân tin, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người. Nếu cứ ỷ vào quyền lực thì chỉ có thể làm cho người ta sợ, ngại, xa lánh và khinh ghét chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Nhân dân từ già đến trẻ thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, mọi thế hệ đều gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng: Bác Hồ. Bác đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Mọi nghi thức đối với Người đều trở thành không cần thiết.
     Yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước là suy nghĩ nhất quán, thường trực trong con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính tư tưởng đạo đức của nhân cách bên trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện, bộc lộ ra bên ngoài bằng phong cách quần chúng ở Người. 

     2. Phong cách dân chủ

     Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cụ thể như sau:
     Trước hết, phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, đồng thời tinh thần ấy cũng thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của Người.
     Hồ Chí Minh không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, mà luôn tranh thủ sự bàn bạc với tập thể Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội, khi cần thiết, triệu tập cả Hội nghị chính trị đặc biệt - một hình thức Diên Hồng của thời đại mới, để xin ý kiến các đại biểu quốc dân.
     Khi bàn về cách làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt với một số cán bộ, Người nói: "Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa".
     Người yêu cầu lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người "không quan trọng". Người năng đi xuống cơ sở, để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của quần chúng, chứ không phải để huấn thị. 
     Ngày 18/01/1967, nói chuyện với Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
“Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được...
     Dễ mười lần không dân cũng chịu,
     Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
     Lời dạy đã thể hiện nổi bật tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và sự cần thiết phải xây dựng cho cán bộ, đảng viên lối làm việc dựa vào nhân dân.
     Thứ hai, là phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể. Người thường nói: Đề ra công việc, đẻ ra nghị quyết, không khó, vấn đề là thực hiện nó. Ai thực hiện? - Tập thể, quần chúng. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí, mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh được "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Sở dĩ xảy ra mất đoàn kết vì người đứng đầu ở nơi đó còn chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan, trong hội nghị thì mọi người miễn cưỡng đồng tình, sau hội nghị, nếu đã không thông thì sẽ không quyết tâm thực hiện.
     Vì vậy, Người yêu cầu: "Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình". "Có dân chủ thì mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến"; "thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn". Bản thân Người là tấm gương mẫu mực về thực hành dân chủ.
     Trong công tác lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Người luôn có ý thức sử dụng sức mạnh tổng hợp của nhiều cơ quan, nhiều tổ chức, sức mạnh tập thể và sức mạnh tổng hợp của quần chúng, nhân dân. Trước khi quyết định một công việc hệ trọng, Người đều hỏi lại cẩn thận và chu đáo những người đã giúp mình. Tất cả những ai đã được Bác giao việc đều cảm nhận sâu sắc điều đó.
     Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh được thể hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ: Chuẩn bị ra một nghị quyết hay dự thảo một văn kiện, viết một bài báo... Người đều đưa ra thảo luận trong tập thể Bộ Chính trị, tham khảo ý kiến những người xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định: Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật,... Người đều huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều được cân nhắc kỹ, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung.
     Thứ ba, là nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. 
     Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước, nhưng Hồ Chí Minh thường xuyên có phong cách làm việc tập thể và dân chủ. Người giải thích: "Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung".
     Tác phong tập thể - dân chủ của Người luôn luôn tạo ra được không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo. Cương vị lãnh đạo càng cao, thì càng đòi hỏi phải có tác phong tập thể - dân chủ thật sự, chứ không phải hình thức. Bởi vì mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể. Mọi thói hình thức chủ nghĩa, sớm muộn, sẽ làm xói mòn, thậm chí triệt tiêu dân chủ. Nhiều lần, Người đã phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, do đó mà người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, không còn hăng hái, không còn sáng kiến trong khi làm việc.
     Từ thực hành dân chủ cho nhân dân đến thực hành dân chủ trong Đảng, trong cơ quan, tổ chức, phong cách dân chủ của Bác Hồ là sự thể hiện nhất quán của tư tưởng đạo đức vì dân, vì nước, như Người từng khẳng định năm điểm đạo đức mà người đảng viên phải giữ gìn cho đúng, đó là: 
         - Tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân.
         - Ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng.
         - Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu.
         - Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.
         - Hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. 

     3. Phong cách nêu gương 

     Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nói phải đi đôi với làm. Cần nêu gương trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người, đối với việc. 
     - Đối với mình: Phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; 
     - Đối với người: Luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung, độ lượng; thật thà, không dối trá, lừa lọc; 
     - Đối với việc: Dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư). 
     Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể:

     Nhớ lại, cách đây hơn 60 năm, một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, trong hang Pác Bó (Cao Bằng), một hang nhỏ nằm sâu trong khe núi. Ngoài cửa hang, nơi Bác Hồ đã khắc vào đá dòng chữ 8-2-1941 là ngày Bác tới ở hang này.

     Trong hang tối, không khí ẩm và lạnh. Tôi nhặt những cành củi khô nhóm một ngọn lửa sưởi ấm cho Bác. Không dám đốt lửa to, sợ ánh sáng lọt ra ngoài, lộ bí mật. Khói bốc cay xè, củi nổ tí tách. Tôi ở lại nghỉ một đêm với Bác. Nằm bên Bác trên một chiếc giường lát bằng cành cây, tôi lắng nghe tiếng Người nói nhỏ nhẹ đều đều, giọng xứ Nghệ ấm áp. Bác và tôi trò chuyện đến quá nửa đêm, bàn về vấn đề chuẩn bị phát động võ trang khởi nghĩa. Bác trao cho tôi nhiệm vụ tổ chức "Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân". 

     Bỗng nhiên Bác dừng lại nói một câu: "Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng". Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, lời nói ấy của Bác vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Bác chỉ nói ngắn bốn chữ như vậy thôi, mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Bác suốt đời cho đến tận ngày nay.

     Dĩ công vi thượng là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước, vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Ðảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân. Dĩ công vi thượng là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về Dĩ công vi thượng.
     Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng, xây dựng điển hình để nhân rộng ra trong đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, giữ liêm khiết, trong sạch và đã trở thành phong cách riêng của Người ở mọi lúc, mọi nơi. Người sống trung thực, chân thành với chính mình và với người khác. 

    Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang hoành hành, Người kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương, nghiêm túc thực hiện một cách triệt để, mặc dù phải làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút vì vừa trải qua một trận ốm nặng… Bộ đội, cán bộ ăn cơm độn ngô, khoai sắn, Bác cũng yêu cầu nấu cơm độn 50% đúng như mọi người. 

     Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, chống lại biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước để các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước thật sự trong sạch, đại diện cho nhân dân. 

     Chủ tịch Hồ Chí Minh có thái độ rõ ràng, công minh trước công và tội của từng cá nhân. Người viết nhiều bài báo giáo dục, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên không được phép làm “quan cách mạng”, phòng tránh những cám dỗ đời thường để không bị gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”. Người đã trực tiếp chỉ đạo xét xử những vụ án lớn; phân tích thấu tình đạt lý những nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên có chức, có quyền. Người chỉ ra hậu quả kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức mà các hành vi phạm tội gây ra, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào pháp luật, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ ta. 

     Mùa thu năm 1950, trong khi bộ đội, dân công đang dồn dập hành quân lên Cao Bằng mở chiến dịch Lê Hồng Phong giải phóng vùng biên giới Việt Trung, thì ngày 05/9/1950 ở thị xã Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến, Tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt, xét xử vụ án đặc biệt. Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh án cùng hai Hội thẩm viên là ông Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Tư pháp Liên khu Việt Bắc và ông Trần Tấn, Cục phó Cục Quân nhu, Thiếu tướng Trần Tử Bình ngồi ghế Công cáo ủy viên (Viện Kiểm sát bây giờ) và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, chính quyền, quân đội, nhân dân địa phương đến dự.

     Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh tối cao phạt án “tử hình”, đồng thời bị tước quân hàm Đại tá theo công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hai đồng bọn của Châu, mỗi tên bị phạt án tù 10 năm.

     Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?
     - Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...
     - Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?
     - Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.
     Bác gật đầu, nói “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.
Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu./.

 

Nguyễn Văn Lữ (Văn phòng UBND tỉnh)

Banner phải dưới

Actions
Loading...

AG_LuotTruyCap portlet

Actions
Loading...
Đang trực tuyến: 80
Lượt truy cập: